Chùa Bổ Đà - Chốn Tiên Cảnh Vùng Kinh Bắc

15/05/2023

“Bốn bề phong cảnh lạ thay

Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”.

Phương ngôn xưa có câu: “Bắc Bổ Đà- Nam Hương Tích”. Phía Nam thành Thăng Long có chùa Hương Tích, phía Bắc có chùa Bổ Đà. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng nhất của miền Kinh Bắc. Ngôi chùa còn giữ lại nhiều nét đẹp cổ kính, được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia được bảo tồn.  Nếu có dịp đặt chân đến đây, hãy một lền ghé thăm chùa Bổ Đà giữa chốn bồng lai tiên cảnh để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như bầu không khí an lành. 

Chùa Bổ Đà theo dấu chân lịch sử

Theo sách Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí có ghi: Núi Bổ Đà là ngọn núi bậc nhất của huyện Việt Yên. Bắt đầu từ Thái Nguyên qua Yên Thế mà lại. Nhiều ngọn liên tiếp quây quần, bỗng nổi lên núi Bổ Đà, vừa cao vừa to. Trong đó lại gọi riêng ngọn núi cao nhất là núi Phượng Hoàng. Những ngọn thấp hơn một chút là núi Yên Ngự, núi Kim Quy. Núi có chùa Tam Giáo, có miếu Thạch tướng quân.

Chùa Bổ Đà hay chùa Bổ là ngôi chùa cổ linh thiêng bặc nhất chốn Kinh Bắc (Ảnh: sưu tầm)

Dấu vết vật chất và thư tịch còn lại ở chùa cho biết Chùa có từ thời nhà Lý thế kỷ 11 và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728).

Chuyện kể lại thời nhà Lê (1720 - 1729) có vị trụ trì tên là Phạm Kim Hưng làm quan giữ sách nhà Lê trong chiều. Do bất mãn với triều đình, ông xin từ quan về quê lập nghiệp. Thời bấy giờ triều đình cho phép người dân theo tín ngưỡng của 3 đạo chính là Thích - Khổng - Lão. Trong cung đình Nhà Lê, cứ một tuần lại có một buổi giảng về các thuyết Tam Đạo. Cũng như chùa Bút Tháp, Bồ Đà chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa tu hành. Sau khi từ quan, với những bài giảng về đạo, cụ Phạm Kim Hưng cũng xuống tóc vào chùa Bổ một lòng hướng về cõi Phật. Phạm Kim Hưng tiến hành trùng tu toà chính diện, thiêu hương, tiền đường, dựng cột đá, cột gỗ làm thêm được vài gian, nhưng bia đá chữ mờ không còn gì là dấu vết người xưa.

Đến niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê (vua Lê Hiển Tông 1740 - 1786) có vị sư tổ họ Ngô (sư tổ Ngô Tính Ánh, Ngô Tuệ Không) quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Ngài từ bỏ vinh hoa phú quý, xuất gia tu đạo, sắc phong là Hảo tiết hoà thượng, tự là Tinh Anh, vân du tới đây ngắm thấy phong cảnh địa linh tịch tĩnh, có thể lập thành nơi kha trường thuyết pháp, bèn cùng với nhân dân xây dựng chùa Tứ Ân và am Tam Đức (lúc này am mới có 3 tháp sư tổ). Lại trùng tu chùa Quán Âm, dùng gỗ lim gạch ngói xây dựng một gian, cử tăng già chùa Tứ Ân chủ trì. Từ đó trở thành nơi tùng lâm sầm uất.

Kế truyền đến đời thứ tư là hoà thượng Chiếu Không, trùng tu một ngôi hai gian bằng đá xây vào năm Giáp Ngọ (1834), niên hiệu Minh Mạng (1820 - 1840). Đến niên hiệu Thiệu Trị (1841 – 1847) lại đúc tượng Quan Thế Âm, tiếp tục xây dựng chùa Tứ Ân nhất nhất đều mới. Niên hiệu Tự Đức (1847 – 1883) đệ tử là ngài Phả Thuần lại dựng tiền đường năm gian làm nơi từ tụng. Đến đây, toàn bộ quần thể chùa Bổ đã hoàn thành có tới 100 gian.

chùa Bổ Đà

Ngôi chùa cổ được cho rằng xây dựng từ thời Lý thế kỉ 11 (Ảnh: sưu tầm)

Từ năm 1786 trở đi, trải qua nhiều hòa thượng kế tiếp xây dựng chùa Bổ, các hoà thượng Như Chiếu, Phả Tiến và các Hòa thượng sau này đã nhiều lần trùng tu mở mang xây dựng thêm chùa thành nơi tùng lâm quy mô rộng lớn. Theo Đại đức Thích Tục Vinh, trụ trì chùa hiện nay thì, không phải chỉ có vị sư Phạm Kim Hưng từ quan về đây tu hành mà lần lượt có 18 vị nữa, tổng cộng là có 19 vị. Khi còn làm triều chính thì có người theo đạo Phật, người theo đạo Nho, người theo đạo Lão. Khi đến chùa thì đều theo đạo Phật, nhưng trò nào thì cũng phải thờ thầy (phụ mẫu tại đường, chư phật tại thế), cho nên chùa thờ Tam giáo. Đây là điều đặc biệt mà ít có ở các ngôi chùa khác tại Việt Nam.

Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, dù nhiều cuộc chiến tranh đã đi qua nhưng thật may mắn cho chùa Bồ Đà vẫn giữ nguyên được vẻ cổ kính như thuở khai thiên. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ; chùa Bồ Đà cũng từng là nơi căn cứ địa cách mạng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị nhà chùa chọn Bồ Đà làm nơi đào tao đội quân trinh sát, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Ngày 31 tháng 1 năm 1992, chùa Bổ được công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 138/QĐ của Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao do Thứ trưởng Vũ Khắc Liên ký phê duyệt. Năm 2007, Bộ Văn hoá - Thông tin đầu tư 17 tỉ đồng đại tu toàn bộ khu di tích.

Ngày 22 tháng 12 năm 2016, chùa Bổ Đà (cùng 12 di tích khác) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 7) theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt.

Khám phá kiến trúc chùa Bổ Đà

Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Kiểu kiến trúc này giống với chùa Phật Tích ở Bắc Ninh.

Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với tổng số 92 gian. Bao gồm: nhà bếp, nhà tạo soạn, nhà tổ ly, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in kinh, nhà trai, nhà hành lang hình thước thợ, nhà pháp, nhà khách, nhà ga, toà tam bảo. Tòa tam bảo kiến trúc theo kiểu chữ đinh.

Phần hậu cung dài 12 m x 7,7 m gồm 5 gian. Toà tiền đường dài 21 m x 11 m có 7 gian, tường gạch, lợp ngói, nền lát gạch vuông, nền nhà cao 0,90 m có 3 bậc. Bậc thềm được lát bằng những phiến đá xanh có kích thước to nhỏ khác nhau; phía trên là 5 bộ cửa bức bàn. Dấu vết kiến trúc còn lại cho thấy các công trình được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn, từ khi khởi dựng đến nay vẫn ở nguyên vị trí ban đầu.

chùa bổ đà

Chùa Bổ Đà xây dựng theo lối kiến trúc nội thông ngoại bế tạo khung cảnh thanh tĩnh (Ảnh: sưu tầm)

Hệ thống bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông.

Khu di tích chùa Bổ Đà gồm: Chùa cổ có tên là chùa Bổ Đà (hay còn gọi là chùa Quan Âm, hay Chùa Cao), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức, Vườn tháp và Ao Miếu. Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Linh Thần tướng – người có công giúp vua chống giặc ngoại xâm).

Chùa chính Tứ Ân tự

Là một trong các hạng mục của Di tích chùa Bổ Đà, chùa được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), Tứ Ân Tự hiện vẫn bảo tồn và giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa. Chùa có kiến trúc độc đáo, khác biệt so với những ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông, ngoại bế” tạo nên không gian u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Chùa bố trí tám cửa ra vào tượng trưng cho tám quái của vũ trụ (bát quái), đường đi thiết kế theo kiểu chữ Lục (六), trời mưa đi từ nhà nọ sang nhà kia không bị ướt.[11] Kiểu kiến trúc này giống với chùa Phật Tích ở Bắc Ninh.

Toà tam bảo kiến trúc theo kiểu chữ đinh (丁). Phần hậu cung dài 12 m x 7,7 m gồm 5 gian. Toà tiền đường dài 21 m x 11 m có 7 gian, tường gạch, lợp ngói, nền lát gạch vuông, nền nhà cao 0,90 m có 3 bậc. Bậc thềm được lát bằng những phiến đá xanh có kích thước to nhỏ khác nhau. 

chùa bổ đà

Ngôi chùa cổ sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ lại được kiến trúc cổ (Ảnh: sưu tầm)

Tường đất- nét độc đáo của ngôi chùa

Tường đất từ cổng vào và bao quanh khu nội tự chùa Tứ Ân được xây dựng theo lối  tường trình với độ cao từ 1,8- 5m, được trình từ thấp tới cao bằng lọai đất sỏi son trên núi Bổ Đà, trên đỉnh tường được che bằng các mảnh gốm, chum, vại... vỡ của Thổ Hà. Trải qua thời gian, các bức tường trình đã bị mưa thấm, ngả màu rêu phong canhg làm tăng thêm vẻ cổ kính cho ngôi chùa.

Khu nội tự gồm 18 tòa nhà ngang, dãy dọc kết nối liên hoàn với tổng số gần 100 gian. Các chất liệu xây dựng được làm bằng gạch nung, ngói, tiểu sành và hệ thống tường bao được trình bằng đất rất độc đáo và bền vững. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau.

Vườn tháp lớn nhất Việt nam

Đặc biệt “vườn tháp chùa Bổ Đà” được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với hơn 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của hơn 2.000 vị tăng, ni. Tương truyền nơi đây vào những ngày rằm, những người được khai nhãn sẽ thấy được ánh sánh hừng lên từ những ngọn tháp cổ.

Với những giá trị văn hóa quý báu và ý nghĩa tâm linh to lớn cùng với số lượng thực tế, Vườn tháp và Bộ mộc kinh chùa Bổ Đà đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là “Vườn tháp lớn nhất Việt Nam” và “Bộ mộc bản kinh phật thuộc thiền phái Lâm tế khắc trên gỗ thị cổ nhất”.

chùa bỏ đà

Khu vườn tháp là nơi yên nghỉ của hơn 100 vị tăng, ni (Ảnh: sưu tầm)

Am Tam Đức

Am Tam Đức được xây dựng cùng thời gian với chùa Tứ Ân. Các tổ tu tại chùa đặt tên am là “Tam Đức” vì mong ước người tu hành tại đây sẽ thông tuệ được ba đức tính: Trí đức, Đoạn đức và Ân đức. Đây cũng là nơi thờ tự tổ tu Phạm Kim Hưng sau khi cụ viên tịch.

Chùa Cao (chùa Quán Âm, chùa Ông Bổ, chùa Bổ Đà)

Chùa thờ tượng Phật Bà Quan Thế Âm.Tương truyền, chùa Cao được xây dựng thời nhà Lý (TK XI) và được tu sửa nhiều lần. Ban đầu chỉ là một gian chùa nhỏ bằng đất, lợp gianh, đến thời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái (1720-1729) có vị trụ trì là Phạm Kim Hưng tiến hành trùng tu và trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo chùa Cao ngày càng khang trang, tố hảo.

Ao Miếu

Là một trong những di tích thuộc khu di tích chùa Bổ Đà, tọa lạc tại trung tâm thôn Hạ Lát. Ao Miếu hay còn gọi là Đền Hạ thờ Thần Đá (Thạch Linh Thần Tướng) và Mẫu Đá.

Những mái ngói cong cong cũng là nét đẹp đặc biệt nơi đây (Ảnh: sưu tầm)

Trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm

Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm là thiền tông thứ tư ở Việt Nam do Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông (1279 - 1293) lập ra, có tính chất độc lập sáng tạo của Phật giáo ở Việt Nam.

Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông được coi là tổ đệ nhất. Tổ đệ nhị là Kim Cương Pháp Loa và tổ đệ tam là Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ). Cả ba vị tổ đều có tượng thờ ở nhà tổ của chùa. Sau này, vào thế kỷ 18 - 19, thiền phái Trúc Lâm hòa vào Lâm Tế tông và chùa Bổ Đà cũng được coi là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế. Đây là nơi kế truyền các vị tổ sư khai trường thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Hàng năm kết hạ an cư có các vị tăng ni tín đồ tham thiền học đạo khá đông.

chùa bổ đà

Ngôi cổ tự còn lưu giữ được nhiều bức tượng Phật cổ thời Lê -  Nguyễn (Ảnh: sưu tầm)

Hiện nay, chùa Bổ Đà còn là nơi bảo lưu hơn 40 pho tượng Phật, trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, tòa Cửu Long, tượng Tam Châu… Ngoài ra còn có các pho tượng bài trí theo tín ngưỡng thờ Nho Giáo, Đạo Giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa như Thạch Linh Thần Tướng, tượng Lão Tử, Khổng Tử, thể hiện rõ dấu ấn tam giáo đồng nguyên. Đây là một trong những điểm khác biệt trong thờ tự của chùa Bổ Đà với các ngôi chùa khác trong cả nước. Hệ thống tượng Phật chất liệu gỗ, sơn thếp đến nay còn nguyên vẹn, có giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hoá, tôn giáo.

- Am Tam Đức thờ tổ Như Thị (thường gọi Phạm Kim Hưng), là người giàu đức hy sinh và công lao tu bổ, mở mang chùa Bổ Đà. 

- Khu Ao Miếu của thôn Hạ Lát nổi lên các khối đá lớn nằm xen kẽ lên nhau giữa một ao nhỏ gọi là Thạch Long. Người ta truyền rằng, mẹ đá nơi này sinh ra Thạch Linh Thần Tướng. Khi ấy, giặc Man nổi dậy làm nhiễu biên thuỳ, Thạch Linh Tướng Quân xin vua đi đánh giặc. Sau khi thắng trận, Thạch Tướng trở về đỉnh Phượng Hoàng ở dãy Bổ Đà và hoá tại đây. Dân chúng nhớ ơn mà lập nơi thờ phụng, dâng hương. 

Hơn thế nữa, ngôi chùa này còn lưu giữ tới 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm. Đây là nơi tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của 1214 tăng ni phật tử của thiền phái Lâm Tế trong cả nước. 

Phát huy truyền thống văn hóa - Nâng cao tinh thần dân tộc

Ngôi chùa đã có tuổi đời hàng nghìn năm, dù cho xã hội phát triển thì nơi đây vẫn luôn thanh tĩnh như chốn bồn lai. Người xưa đã mượn câu thơ trong truyện thơ Quan Âm Thị Kính (truyện thơ mà có giả thuyết cho rằng đã ra đời tại vùng Kinh Bắc) để ví cảnh sắc tại chùa Bổ Đà:

"Bốn bề phong cảnh lạ thay
Bồng lai kia cũng thế này mà thôi"

chùa bổ đà

Xuyên qua vòm cửa rêu phong cổ kính là chốn bồng lai xứ Bắc (Ảnh: sưu tầm)

Chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu quý hiếm có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học. Ở đây còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật là một trong những bộ Kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam được khắc vào khoảng năm 1741 khi các vị tổ sư xây dựng chùa Tứ Ân.

Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét. Đặc biệt, bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông).

Nơi đây mỗi dịp lễ hội đều nô nức khách hành hương ghé thăm. Hội chùa Bổ Đà hàng năm tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch rất long trọng và đông vui (phần lễ kéo dài từ Tết Nguyên Đán). Đó là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Thanh niên nam nữ khách thập phương kéo về dự hội rất đông. Đến hẹn lại lên, vào dịp lễ hội ngoài việc đến lễ Phật cầu mong an lạc, còn là dịp để những liền anh, liền chị của các làng quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên trong những bộ trang phục truyền thống với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, thấm đượm hồn quê.

chùa bổ đà

Lễ rước kiệu Thánh chùa Bổ Đà (Ảnh: sưu tầm)

Ngoài đợt hội chính vào đầu năm, hội Bổ Đà còn diễn ra vào dịp 12 tháng Chín, ngày hóa của Thạch linh thần tướng. Nơi thờ nằm ở trên đỉnh núi Phượng Hoàng (đỉnh cao nhất trong dãy Bổ Đà sơn). Tục truyền khi Thạch Linh thần tướng đánh tan quân giặc, Ngài lên đó rồi hóa về trời, vì thế, nhân dân lập đền ở đây để thờ phụng. Vào ngày này nhân dân trong vùng cũng chuẩn bị lễ vật để dâng lên Thạch tướng quân như: mâm xôi gà, thịt lợn luộc, bánh chưng, xôi, oản, hoa quả….Hoạt động nổi bật trong lễ chính là lễ rước kiệu Thánh, đi cùng còn có đội cờ hội; đội múa lân; đội dâng hương (khiêng mâm lễ); đội cờ lệnh; đội trống, chiêng; đội nhạc (kèn, sáo, nhị, hồ); đội tùy giá (kiếm, đại đao, bát bửu, lệnh bài). Hoạt động cực kì long trọng và thành kính.

Ngày 23 tháng 1 năm 2017, lễ hội Bổ Đà là một trong 11 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam cùng quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, quý vị có thể ghé thăm Đúc Đồng Bảo Long để có thêm nhiều kiến thức và thông tin bổ ích. Bên cạnh đó, nếu quý khách muốn tham khảo thêm các mẫu đồ thờ, tranh đồng, tượng đồng có thể liên hệ với chúng tôi qua số Hotline: 0968.966.268 để được tư vấn tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm:

- Chùa Keo - Ngôi chùa cổ đẹp bậc nhất Việt Nam

- Chùa Giác Lâm - Cổ tự 300 năm tuổi giữa lòng Tp Hồ Chí Minh