30/07/2020
Đức Phật Thích Ca thị hiện thành Phật ở cõi Ta-bà (dương gian), từ lúc đản sinh cho đến ngày nhập diệt niết bàn đã thị hiện viên tròn đủ tám tướng trọng đại. Điều này được ghi chép chân thực trong kho tàng sử liệu Phật giáo.
Theo sử liệu ghi: Khi một vị Phật ra đời độ sinh luôn "thị hiện" tám tướng thành đạo. Điều này xem như một chứng thực cho một đức Phật - bậc Giác ngộ ở hai phạm trù thế gian và siêu việt (xuất) thế gian.
*Từ cõi trời Đâu Suất Đức Phật giáng sinh:
Như Đức Nhiên Đăng Cổ Phật (là vị Cổ Phật xuất hiện trước thời Phật Thích Ca) huyền ký: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ đản sinh vào cõi người để ban trải giáo Pháp về con đường giải thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ.
Trước khi hạ sinh vào cõi Ta bà - thế giới loài người, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni an trụ ở cung trời Đâu Suất (Gadhen Lhayul, cõi Trời Hỷ Lạc), sống trong cảnh giới vô cùng an vui, thanh tịnh.
Ở đây, Ngài có Hồng danh là Bồ tát Hộ Minh (tiếng Tạng là Lhayi DampaTogkarpo) và Ngài thường giảng pháp giáo hóa chư Thiên. Ngài được tôn vinh là bậc Nhiếp Chính của Đức Phật Ca Diếp đời trước.
Cung trời Đâu Suất là cõi Tịnh độ nơi Đức Phật tương lai - Phật Di Lặc, hiện là bậc Thiên chủ đang thuyết Pháp. Đó là một trong sáu cõi Dục giới của chư Thiên, cũng là nơi an trú của chư vị Bồ Tát…
Đêm kia, hoàng hậu MaDa nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà ôm bó hoa sen hương thơm ngào ngạt giáng nhập vào bào thai của bà. Các thầy Bà la môn tinh thông điềm triệu tiên đoán là hoàng hậu đã thọ thai một nhân cách phi phàm, cao cả; là linh khí kết tụ của núi sông, nhật nguyệt muôn triệu năm mới có một lần.
>>> Tìm hiểu về các mẫu tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng
Đại bồ-tát từ khi vào lòng Phật mẫu, gá thai bào, lần lần lớn lên, không hề làm cho hoàng hậu khó chịu; trái lại, được sức khỏe, an vui và mát mẻ hơn. Thai nhi ngồi an nhiên ở trong bụng như một bức tượng vàng trong động báu, chân xếp kiết già, hướng mặt ra phía trước rất khác với phàm nhân.
Đại Bồ tát đản sinh vào giờ phút đẹp đẽ linh thiêng ngày trăng tròn tháng Vesak (rằm tháng tư). Ngài ra khỏi lòng mẹ nhẹ nhàng như một vị pháp sư duỗi chân bước xuống pháp tòa.
Vừa chào đời, Đại Bồ tát đã xuất thần đứng dậy, đi về hướng Đông bảy bước, dưới đất trồi lên bảy hoa sen đỡ bước chân ngài, có hai vị chư thiên bưng năm món triều phục của Chuyển luân Thánh vương đi hầu hai bên. Đại Bồ tát một tay chỉ thượng, một tay chỉ hạ, nói lên câu kệ:
“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn - (ý nghĩa: trên trời, dưới trời, chỉ có ta là tôn quý nhất). Đây là kiếp cuối cùng, không còn phải tái sinh ở đời sau bởi vì ta đã đoạn tận nguồn gốc của luân hồi sinh tử”.
*Thời Đức Phật đản sinh còn có 7 nhân vật đồng sinh để trợ duyên cho Đại Bồ tát:
Công chúa Yasodharā (Da Du Đà La); Ānanda (A Nan), con hoàng thân Amitodana, em ruột đức vua Suddhodana. Channa (Xa Nặc) - người hầu ngựa; Kāḷudāyi - con một lão thần lương đống, sau này thỉnh đức Đại Giác về thăm Kapilavatthu; Ngựa Kaṇṭhaka (Kiền Trắc); Cây Bồ đề - nơi Phật ngồi thành đạo; Bốn hầm châu ngọc.
Do túc duyên ba-la-mật từ nhiều a-tăng-kỳ kiếp, bảy nhân vật đồng sinh để trợ duyên cho quả vị Chính Đẳng Giác.
Ngay khi vừa chào đời, bậc ấu hoàng đã hội đầy đủ 32 quý tướng và 80 vẻ đẹp của bậc Tối Thượng Nhân. Tướng cách của ấu hoàng vượt xa tướng cách của các bậc Đế vương, vượt xa cả Chuyển luân Thánh vương…
“Đức ấu nhi này sẽ xuất gia, ba mươi lăm năm sau sẽ đắc quả vị Chánh Đẳng Giác không sai!” - lời tiên tri của đạo sĩ Asita (A-tư-đà) vốn là bậc lão thông điềm triệu, tướng pháp, lại có cả bát định và ngũ thông (bậc đạo sĩ đắc thiền và có thần thông).
Trong tương lai, ấu hoàng sẽ đắc thành quả Phật, một vị đại A-la-hán toàn bích. Chúng sinh vạn loài sẽ nương nhờ giáo pháp của đức Đại Giác ấy mà thoát khổ được vui, được đến cõi miền chân phúc và tự do…
Hội đồng bác học 108 vị Bà-la-môn cũng đưa ra lời tiên đoán trùng khớp trong lễ chiêm tướng (khi ấu hoàng vừa sinh được 5 ngày tuổi).
Nhằm đêm mồng 8 tháng 2 âm lịch, Thái tử Cồ Đàm từ bỏ tất cả, phụ vương, ngai vàng, vợ con, cuộc sống đầy đủ và êm ấm của một hoàng tử, khoác trên mình bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, từ nay bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi đó Ngài mới 19 tuổi.
Trong đêm thành Đạo của Đức Phật, khi đó có đủ các loại nội ma như ma sân giận, ma tham ái, ma si mê danh vọng, … xuất hiện. Gọi là ma nhưng đó không phải là ma bên ngoài mà chính là trạng thái tâm của người trước khi thành đạo - đó là ý nghĩa của chữ “ma vương” trong Phật giáo.
Ma vương có 5 loại: Phiền não ma; Ngũ uẩn ma; Pháp hành ma; Tử diệt ma; Chư thiên ma
Cả năm thứ ma trên đều làm trở ngại cho tiến trình giác ngộ. Vì vậy, hễ chiến thắng được ngũ ma, nhất là ma phiền não là đã thành công trong cứu cánh giải thoát.
Khi nói đến Đức Phật cảm thắng Ma vương, nhiều người tưởng tượng ra hình ảnh quỷ sứ sừng nhọn, răng nanh, đầu trâu, mặt ngựa, vô cùng khủng khiếp kéo đến bao vây Ngài và Ngài cũng dùng phép thần thông để chống cự; sau một hồi chiến đấu cam go bằng quyền phép nhiệm mầu, Ngài đã hàng phục Ma quân một cách vẻ vang oanh liệt. Chữ Ma vương theo nghĩa Phật giáo, không phải chỉ có nghĩa giản dị như thế.
Chủ trương của Đức Phật là chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ bằng chính những đức độ cao dày mà Ngài tu tập trong vô lượng kiếp. Đức Phật không hàng phục Ma vương bằng thần thông quảng đại mà bằng Ba La Mật lực của Ngài. Sức mạnh Ba La Mật chính là những đặc tính: bố thí, trì giới, xuất gia (ly dục), tinh tấn, trí tuệ, nhẫn nại, cương quyết, chân thật, tâm từ và tâm xả (10 Ba la mật - Hành thập thiện)
Đức Phật hiếm khi dùng đến phép thần thông, vì Ngài không muốn môn đệ hay kẻ ngoại đạo quy y, tu học vì quyền phép nhiệm mầu mà họ phải đến với Phật vì lý tưởng giải thoát.
Đức Phật đã kể lại cho gia chủ Tapussa và tôn giả A-nan về tiến trình chứng ngộ trong đêm thành đạo (Tăng chi bộ kinh III, phẩm IX pháp): Đó là 9 cấp bậc thiền chứng từ sơ thiền cho đến diệt thọ tưởng định, gọi là 9 cấp bậc thiền chứng theo thứ lớp (bao gồm tứ thiền, tứ không và diệt thọ tưởng định).
Đức Phật còn xác quyết rằng chỉ sau khi chứng đạt và xuất khởi 9 cấp độ thiền chứng này, Ngài thấy bằng trí tuệ mọi lậu hoặc bị đoạn diệt, khi đó Ngài mới thành tựu Chính đẳng chính giác. Theo kinh ghi lại: khả năng “thấy bằng trí tuệ” này chính là Tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.
>>> Xem thêm: 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp áp dụng trong tạo tạc tượng Phật
*Túc mạng minh: Hướng tâm về Tuệ giác Đức Phật thấy rõ
Các chiều không gian; đời quá hiện khứ vị lai; tiến trình sinh tử luân hồi của vạn loại…
Sau 49 ngày đêm, chuyên sâu vào thiền quán, tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, đức Thích-Ca chiến thắng nội chướng lẫn ngoại ma, nào tham luyến, dục vọng, phiền não, sân hận, đói khát, cô đơn...luôn hiện đến quấy nhiễu.
Đêm cuối cùng, vào lúc canh một, Ngài hướng tâm về Tuệ giác, nhớ lại những kiếp quá khứ, từ một kiếp, hai kiếp, ba kiếp đến trăm ngàn muôn ức kiếp. Hoặc ở thế giới này hay thế giới khác, hoặc ở quốc độ này hay quốc độ khác, hoặc ở gia đình này hay gia đình khác, hoặc mang thân này hay thọ thân khác..
Ngài cũng thấy như vậy với tất cả những loài sinh ra từ thai, loài sinh ra từ trứng, loài sinh từ nơi ẩm ướt và loài sinh từ phân thân biến hóa. Thấu rõ thân này vốn không có thực, vốn không có nguồn, vô thỉ vô chung, không từ đâu đến, không đi về đâu.
Cũng như sao mai ở bất kỳ thời gian nào cũng luôn hiện diện ở vị trí đó, không lặn cũng không lên, không hiện cũng không ẩn. Ẩn hiện là do vô minh bất giác mà bày ra sự phân biệt tối sáng. Mặt thật xưa nay hiện tiền, không trụ chấp, không vướng mắc, không đầu không cuối, cũng chẳng phải không đầu, không cuối. Chỉ vì động dụng nên cứ nghĩ rằng những gì ta nhận thấy có sự dời đổi là có đến có đi. Như thế Ngài đã chứng được Túc mạng Minh.
*Thiên nhãn minh: Vô minh diệt, minh sinh; tối tăm diệt, ánh sáng sinh
Đức Phật soi rõ thấy sự sống và chết của chúng sinh. Ngài thấu tỏ sinh mệnh của từng chúng sinh: người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của bản thân người đó.
Đức Phật thấy biết rõ vô lượng vô số thế giới từng co giãn sinh ra, hình thành, biến hoại và hủy diệt. Thấy tất cả chúng sinh từng sinh ra, hình thành, biến hoại và hủy diệt trong vô lượng vô số kiếp.
Nhưng đó chỉ là những biểu hiện duyên khởi bề ngoài chứ không hề hấn gì tới thực tướng của pháp giới. Ví như hằng triệu đợt sóng lô nhô trên mặt biển cả, nhưng lòng đại dương không vì có những hiện tượng như thế mà sinh diệt, diệt sinh. Đạt đến đó, Ngài chứng được Thiên nhãn Minh.
*Lậu tận Minh: Đức Phật thấu tỏ cội nguồn các pháp; đạt giải thoát khỏi luân hồi sinh tử
- Đây là phiền não, ô nhiễm, khổ đau.
- Đây là nguyên nhân tập khí gây ra phiền não, ô nhiễm, khổ đau:
- Đây là sự chấm dứt phiên não, ô nhiễm, khổ đau.
- Đây là phương pháp dẫn đến sự chấm dứt phiền não, ô nhiễm, khổ đau.
Quán chiếu như thế, tâm Ngài hoàn toàn giải thoát khỏi Dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), Hữu lậu (ô nhiễm sự luyến ái của đời sống) và Vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh), dứt hẳn sinh tử luân hồi, khổ đau vạn kiếp. Đạt đến đó Ngài chứng được Lậu tận Minh.
Ngài thấu rõ Khổ tướng hiện tại, đoạn mọi phiền não lậu hoặc dứt khổ sinh tử, an vui giải thoát. Thấy rõ mầm mống của phiền não và sinh tử. Chuyển phiền não thành Bồ đề, sinh tử thành Niết bàn; màn vô minh đã được giải tỏa thì trí tuệ phát sinh. Rõ được sự sinh - tử là phi sinh phi tử. Cũng còn gọi là nhất niệm vô sinh, tánh không tịch diệt, hay là Kim cương đại định.
*Vua trời Phạm Thiên và Đế Thích thỉnh cầu Đức Phật gióng trống Pháp bất tử!
Bảy tuần sau khi chứng đạt giác ngộ, Đức Phật không định thuyết pháp. Bởi giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật là thậm thâm vi diệu, vắng lặng, cao siêu, vi tế; lại ở ngoài phạm vi của lý luận, suy đoán, kiến thức và hiểu biết thường phàm, rất khó thấu triệt; lại đi ngược dòng đời, dòng tham ái thì làm sao phổ biến giữa cuộc đời – khi mà chúng sinh vốn xem hạnh phúc là sự thỏa mãn dục trần?
Nhưng vua trời Phạm Thiên và Đế Thích đã cúng dàng thiên nhạc, thành tâm ba lần thỉnh cầu Đức Phật chuyển pháp luân vì lợi ích chúng sinh cõi Sa bà.
Đức Phật lặng lẽ tịnh định dùng thiên nhãn quan sát thế gian và thấy rõ rằng: “Chúng sinh có rất nhiều giống loại, nhiều căn cơ, tâm trí, nhiều dị đồng sai khác; như sen trong đầm nhiều sắc màu đỏ xanh vàng trắng với đa dạng các trạng thái sinh trưởng khác nhau: có cây ở đáy hồ, cây vừa ra khỏi bùn, cây đã bừng nở hoa tinh khôi hương sắc cho thế gian mà chẳng dính một chút bùn nhơ…”.
Chiêm nghiệm, liên tưởng như thế xong, Đức Phật tuyên bố - giọng như sư vương giữa bình minh kỷ nguyên mới:
“Cửa vô sanh bất diệt đã mở cho muôn loài chúng sinh. Ai có tai để nghe, có mắt để thấy, có trí để thấu hiểu, hãy đặt trọn vẹn niềm tin tưởng”.
Kinh Chuyển Pháp luân chính là bộ kinh đầu tiên Đức Phật thuyết giảng cho năm anh em ông Kiều Trần Như. Nội dung bài pháp là những nguyên lý chính yếu và quan trọng nhất của Phật giáo.
*Đức Phật truyền giảng con đường gọi là "Trung Đạo" mà Ngài đã chứng ngộ…
Bài pháp đầu tiên Ngài thuyết là pháp Tứ Diệu đế (Khổ - Tập - Diệt - Đạo ) - Bốn Chân lý nhiệm màu. Đây là bài pháp làm nền tảng cho 45 năm thuyết pháp của Phật. Nội dung bài pháp này chỉ rõ con đường Trung đạo là tránh xa sự đắm say dục lạc và khổ hạnh ép xác.
Đức Như Lai - Bậc Chính đẳng chính giác đã chỉ ra con đường vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích. Đây là con đường Trung đạo duy nhất dẫn đến trạng thái an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Ðức Thế Tôn cho ông Ananda biết rằng, Ngài vừa hứa với Ma Vương sẽ nhập Niết Bàn, nên quả địa cầu mới rung động như thế. Ngài giải về 8 nguyên nhân làm rúng động quả địa cầu cho Tôn giả Ananda nghe:
1. Gió hoạt động mạnh.
2. Người có thần thông, dùng thần thông làm cho quả địa cầu rung động.
3. Lúc Ðại Bồ Tát giáng sanh từ cõi Ðâu Xuất vào lòng mẹ trong kiếp chót.
4. Lúc Ðại Bồ Tát ra đời trong kiếp chót.
5. Lúc Ðại Bồ Tát chứng quả Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.
6. Lúc Ðức Như Lai chuyển Pháp luân.
7. Lúc Ðức Như Lai định nhập Niết Bàn.
8. Lúc Ðức Như Lai nhập Vô Dư Niết Bàn.
Đức Phật khai thị:
Ta do những Pháp sau đây mà tự chứng ngộ thành bậc Chính-Đẳng Chính-Giác, đó là: “Bốn Niệm-Xứ, Bốn Ý-Đoạn, Bốn Thần-Túc, Bốn Thiền, Năm Căn, Năm Lực, Bẩy Giác-Chi, và Tám Chính-Đạo”. Vậy các thầy hãy ở trong giáo-pháp ấy siêng năng tu học, cùng nhau hưng say (hưng thịnh say sưa) phát triển. Các thầy hãy khéo thụ trì tùy theo trường hợp mà tu hành, tại sao vậy?, vì không bao lâu nữa, Như-Lai, sau ba tháng sẽ nhập Niết-Bàn.
Ngài dặn Tôn-giả A-nan-Đà rằng: “Sau khi Ta diệt độ nhập Niết-Bàn, hãy tự thắp đuốc lên mà đi; thắp lên với chính pháp, đừng thắp lên với pháp nào khác; hãy nương tựa với chính mình, đừng nương tựa với một pháp nào khác”.
Các thầy nên biết: “Tất cả vạn vật đều vô thường, vì không có cái gì bền vững mãi mãi, đó là lời dạy cuối cùng của Như-Lai mà các Thầy phải ghi nhớ”.
Nguồn: sưu tầm
Bài viết khác
Đình, Chùa Đồng Niên - Độc Đáo Hệ Thống Tượng Phật Trăm Năm (26/01/2024)
Chùa Cầu Hội An - Kiến Trúc Văn Hóa Độc Đáo Mang Linh Hồn Của Thành Phố (25/12/2023)
Ghé Thăm Chùa Cỏ Thum - Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Cấp Quốc Gia (16/11/2023)
Chùa Tà Pạ - Chốn Bồng Lai Tiên Cảnh Giữa Núi Rừng An Giang (15/11/2023)
Độc Đáo Chùa Dơi - Ngôi Chùa Cổ Của Người Khmer (24/10/2023)
Ghé Thăm Chùa Xiêm Cán - Ngôi Chùa Khmer Cổ Đẹp Nhất Tại Bạc Liêu (04/10/2023)
Chùa Phật Tích - Ngôi Cổ Tự Linh Thiêng Xứ Kinh Bắc (18/07/2023)